(VOV5) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp cần giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/11, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp cũng như Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp. - Ảnh: quochoi |
Nhiều đại biểu cho rằng: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp cần giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao là chúng ta chỉ tập trung sửa một số vấn đề rất cấp bách, cần thiết, tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tức là sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể để phục vụ trực tiếp công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các vụ án về kinh tế tham nhũng”.