(VOV5) - Việc ban hành Luật thỏa thuận quốc tế là cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế.
Dự án Luật thỏa thuận quốc tế được Phó thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình tại phiên họp Quốc hội sáng 22/5.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình - Ảnh: quochoi.vn
|
Việc ban hành Luật thỏa thuận quốc tế là cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế. Chủ trương hội nhập quốc tế (không chỉ gồm hội nhập kinh tế quốc tế) được quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013, chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh trọng tâm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Phó thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: "Nội dung của Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực ở bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong giai đoạn mới hội nhập sâu rộng".
Trước đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (năm 2016), Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật điều ước quốc tế năm 2016. Việc tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ trình Dự án Luật thỏa thuận quốc tế sẽ hoàn thiện thêm công cụ pháp lý, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ đắc lực cho yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước.