(VOV5) - Dự án Luật tiếp công dân và Dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên làm việc ở tổ chiều 31/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.
Đề cập dự án Luật tiếp công dân, các ý kiến tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, điều kiện đảm bảo hoạt động tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến kiến nghị, phản ánh. Một số đại biểu cho rằng dự án Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp công dân. Dự luật cũng cần quy định địa điểm tiếp công dân sao cho thuận tiện cho việc tiếp nhận ý kiến người dân.
Bà Đỗ Thị Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nêu ý kiến: “Dự án Luật có quy định cơ quan quản lý lắng nghe, tiếp nhận ý kiến người dân chứ không có trách nhiệm xử lý nếu vậy thì có cần quy định thành luật không. Nếu cần quy định thành luật thì phạm vi phải rộng hơn, như thế mới khích lệ người dân đóng góp xây dựng đất nước. Nếu chỉ đặt vấn đề tiếp công dân để lắng nghe và tiếp nhận thì chưa được mà còn phải xem xét việc xử lý các ý kiến đó. Nếu đại biểu Quốc hội không có thẩm quyền giải quyết thì cũng phải xem xét việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền sau đó thông báo đến người dân kết quả xử lý. Dự luật quy định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu là rất tốt tuy nhiên cần quy định rõ số lần phải tiếp công dân, tránh việc người đứng đầu uỷ quyền cho cấp dưới quá nhiều lần, để khẳng định rõ tính trách nhiệm.”
|
Một buổi tiếp công dân của công an xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Ảnh: Baclieuonline |
Đề cập Dự án Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, một số ý kiến cho rằng dự án Luật cần quy định rõ thẩm quyền công bố dịch của các cơ quan liên quan, ghi rõ những điều kiện cần thiết để có thể công bố dịch…
Trước đó, sáng 31/05, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hòa giải cơ sở. Tiếp đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này./.