(VOV5) - Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp nhưng cần lưu ý việc hỗ trợ theo lĩnh vực.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 16/6 về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa, thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. - Ảnh: quochoi |
Hiện Việt Nam có 760.000 doanh nghiệp, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội cộng đồng. Đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nêu ý kiến: “Tôi rất ủng hộ chủ trương giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.
Tuy nhiên cần thiết phải mở rộng cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế, Tuy nhiên họ thiếu về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, yếu năng lực quản lý... Do đó, cần thiết phải hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và nếu bổ sung doanh nghiệp vừa vào diện giảm thuế thì không ảnh hưởng nhiều tới thu ngân sách nhà nước”.
Cũng theo ý kiến một số đại biểu, Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp nhưng cần lưu ý việc hỗ trợ theo lĩnh vực. Đó là hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các dự án trọng điểm, những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế, giúp bảo vệ chủ quyền của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy cùng với việc ban hành Nghị quyết này thì cần có ngay một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm có tiềm năng nhưng gặp khó khăn như hàng không, du lịch…