(VOV5) - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2,5 đến 3%.
Ngày 2/12, Chính phủ dành cả ngày họp phiên thường kỳ tháng 11.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số điểm sáng của nền kinh tế, như hoạt động khôi phục kinh tế xã hội đang trên đà tích cực, vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam trong việc giải ngân hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP |
Với những nỗ lực, quyết tâm cao, năm 2020, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 2,5 đến 3%, nền kinh tế duy nhất ở khu vực tăng trưởng dương, thu ngân sách khả quan hơn so với mức báo cáo quốc hội.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực RECP sẽ có hiệu lực trong 18 tháng tới, mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Trước việc xuất hiện ca mắc COVID-19 mới trong trong cộng đồng, Thủ tướng cho biết, ngay chiều 2/12, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng dự thảo Công điện chỉ đạo về việc phòng chống COVID-19. Khẳng định ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân, nếu không cái giá phải trả là rất lớn, Thủ tướng chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng khoanh vùng, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2,5 đến 3%. Theo đó cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường là đối tác tham gia các hiệp định thương mại mà Việt Nam cùng tham gia; tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng hàng thiết yếu, công nghệ, thiết bị y tế.
Quang cảnh phiên họp - Ảnh: VGP |
Với việc còn một lượng vốn lớn chưa giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thúc đẩy giải ngân cả vốn ngân sách và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): “Tôi yêu cầu giải ngân tốt, nhưng đảm bảo chất lượng công trình, không được hình thức, lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai chỉ đạo, kết luận tại hội nghị vừa qua (về giải ngân vốn đầu tư công), gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy phụ trách công việc này. Những công trình trọng điểm thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải tiếp tục thực hiện các cam kết của mình trước Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đầu tư công thì chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước.”
Từ thành công của việc đưa hàng hóa về nông thôn trước đây, Thủ tướng đưa ra sáng kiến về việc đưa hàng từ nông thôn lên thành thị: “Chúng ta đang nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn, thì ngược lại hôm nay chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng vùng nông thôn. Cá tra, basa ở Đồng Tháp đã đưa ra Hà Nội. Các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân, hiệp hội phải tổ chức chương trình đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Điều này giúp kích cầu thị trường trong nước.”