(VOV5) - Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân
Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua lần này gồm 8 chương, 52 điều, quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: Nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh
ảnh: Phiên họp Quốc hội.
|
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn Sơn La, nêu ý kiến: Tôi xin góp ý vào Nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, khoản 1, điều 3 của dự thảo luật quy định: Tuân thủ Hiến pháp, phát luật Việt Nam, và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Theo tôi quy luật này là chưa đầy đủ, vì ngoài các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có ràng buộc với các tổ chức và các quốc gia thành viên thì các thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế hiện đã được vào chương trình xây dựng luật năm 2020 thành Luật thỏa thuận quốc tế. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung Tuân thủ Hiến pháp, phát luật Việt Nam, và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên hoặc các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến đề xuất việc sửa đổi bổ sung chính sách thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.