(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đạt hiệu quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Chiều 30/03, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đạt hiệu quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển Kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: “Chúng ta xác định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là mối quan hệ phối hợp công tác dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phân công của Trung ương, Bộ Chính trị, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch nước luôn mong muốn được phối hợp, hợp tác Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, như: Đổi mới việc xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, xây dựng pháp lệnh khắc phục tình trạng lợi ích ngành, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân…”
Chủ tịch nước cũng mong muốn phối hợp cùng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xây dựng, thực hiện các Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết với quan điểm thực sự lấy người dân là trung tâm, người dân là chủ thể của phát triển, chủ thể của giám sát, đặc biệt là các vấn đề về phụ nữ, trẻ em; cùng với đó là các vấn đề liên quan tới hoạt động của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi có khó khăn; các vấn đề an sinh, xã hội, biến đổi khí hậu; dịch bệnh, y tế...