(VOV5) - Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 21/10 tại Hà Nội.
|
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Đây là dự án Luật được cử tri và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, đặc biệt về các nội dung như: giám sát văn bản quy phạm pháp luật hay giám sát văn bản; chất vấn và xem xét việc trả lợi chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám, trong đó khẳng định giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc yêu cầu, kết luận, kiến nghị về giám sát.
Ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, góp ý: “Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, tôi đề nghị các chức danh chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời. Qua đó để điều hành đất nước, ngành, địa phương mình phụ trách phát triển tốt hơn. Tôi đề nghị bổ sung các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được truyền hình, phát thanh trực tiếp, để tạo điều kiện cử tri theo dõi, giám sát”.
Cũng trong chiều 21/10, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.