(VOV5) -Việc Trung Quốc tuyên truyền giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hai nước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 8/8, tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hôm nay (8/8) đúng vào dịp kỷ niệm 52 năm thành lập ASEAN, trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN đã được khánh thành tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Việc đưa vào vận hành trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN góp phần nâng cao hình ảnh của ASEAN, đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của Ban thư ký ASEAN.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin với báo chí
tại buổi họp báo chiều 8.8 - Ảnh ANTD |
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia khác, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và phòng ngừa mọi hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong các hoạt động xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Các Bộ ngành liên quan đang thực thi nghiêm túc đề án của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Hiện Bộ công thương đang xây dựng các quy định tiêu chí rõ ràng cụ thể để làm cơ sở hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam với hàng hóa gian lận xuất xứ. Các cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động xuất nhập khẩu nhất là đối với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, điều tra xử lý các hành vi gian lận."
Về hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hẳng cho biết: "Theo thông tin chúng tôi được biết, chiều ngày 7/8/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam được xác định theo Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Trong những ngày qua Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện khẳng định thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại trao đổi với các nước liên quan đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định phát triển hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia."
Liên quan đến việc Trung Quốc chuẩn bị lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới cho học sinh trung học phổ thông, trong đó cho rằng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hẳng một lần nữa khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc tuyên truyền giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hai nước