(VOV5)- Đó là ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ sáng nay khi bàn về phương án phát hành 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Theo nhiều đại biểu, việc làm này nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và tiếp tục thực hiện các dự án đang đầu tư dở dang. Tuy nhiên, nên dành ưu tiên lớn cho phát triển hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu và cân đối nguồn chi để đảm bảo giới hạn nợ công và thận trọng trong cân nhắc tới khả năng trả nợ.
|
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường |
Đánh giá về 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, các đại biểu cho rằng chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển, xây dựng xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên các chương trình còn nhiều trùng lặp, chồng chéo cả trong việc quản lý, bố trí vốn lẫn lĩnh vực đầu tư. Do vậy trong 2 năm tới, nên cơ cấu lại các chương trình và có cơ chế giám sát để chương trình đạt kết quả cao hơn.
Ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đề nghị:“Chúng ta cần siết chặt hơn việc quản lý các chương trình này theo hướng ban hành một khung giám sát. Tôi cũng đề nghị nên có một quy chế quản lý phân cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương. Nên lồng ghép các dự án thành phần với các chương trình sự nghiệp ở địa phương. Hoặc giữa các dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia với nhau triển khai trên cùng một địa phương. ”
Về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, một số đại biểu cho rằng việc phân bổ ngân sách không được bình quân và dàn đều. Việc bình quân sẽ không đưa nguồn tiền vào những nơi có lợi thế cạnh tranh, sinh lời, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng phải rà soát lại từng dự án, công trình để huy động vốn từ các nguồn lực xã hội chứ không dựa hẳn vào ngân sách./.