Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4: Chính phủ củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

(VOV5)- Tiếp tục chương trình Phiên họp thường kỳ tháng 4, sáng nay (05/05), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết cũng nêu lên một số nguyên tắc như tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4: Chính phủ củng cố niềm tin cho doanh nghiệp - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nghị quyết ra đời sẽ tiếp tục bảo hộ quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và đặc biệt xóa bỏ những rào cản không cần thiết, các giấy phép con hiện đang là gánh nặng, cản trở sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dự thảo sẽ xây dựng theo hướng không có sự phân biệt giữa các thành phần doanh nghiệp: Doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành. Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác