(VOV5) - Azerbaijan coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa.
Ngày 24/10, nhân dịp dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết tại Baku, Azerbaijan (25-26/10/2019), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Azerbaijan Ilham Aliyev.
Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng đầu tiên của Phó Chủ tịch nước trong chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác lần này. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống nước chủ nhà Azerbaijan tiếp trước khi Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết chính thức khai mạc sáng 25/10/2019.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Azerbaijan Ilham Aliyev.- nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao |
Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam rất coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Azerbaijan. Để đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu thực chất hơn nữa, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, giáo dục đào tạo, du lịch…
Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định Azerbaijan coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực cho tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Tổng thống Azerbaijan Aliyev nhất trí cần đề cao thượng tôn pháp luật trọng quan hệ quốc tế. Về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, Tổng thống Azerbaijan ủng hộ lập trường của Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.