(VOV5) - Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác.
Sáng nay (03/05), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Hồ Long |
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là dự luật quan trọng, được dư luận xã hội trong và ngoài nước quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác. Do vậy, các thành viên Ủy ban cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thận trọng; cần tập trung thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần tính đến nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu này, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện.