(VOV5) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai các hình thức hỗ trợ thiết thực về tài chính, công nghệ.
Chiều nay (15/05), tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Hạ nghị sĩ André Flahaut, Bộ trưởng Quốc vụ, nguyên Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Quốc vụ, nguyên Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ. Ảnh: Lâm Hiển |
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cảm ơn Hạ viện Bỉ vào tháng 10 năm ngoái đã thông qua Nghị quyết kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc khắc phục các hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trân trọng những đóng góp của Bộ trưởng Quốc vụ Vương quốc Bỉ, André Flahaut, trong suốt quá trình xây dựng, đệ trình Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết quan trọng này.
Về hợp tác Việt-Bỉ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai các hình thức hỗ trợ thiết thực về tài chính, công nghệ, phát triển nhân lực giúp Việt Nam xử lý hậu quả chất độc da cam tại một số khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao trên tất cả các kênh, trong đó có Nghị viện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn Hạ viện Bỉ sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) trước khi kết thúc nhiệm kỳ nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư; đề nghị Bỉ ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng IUU” với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính đến nỗ lực nghiêm túc của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững.
Về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội/Nghị viện; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); phát huy vai trò cầu nối của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước.