(VOV5) - Quy hoạch nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ thành lập 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoanh vùng bảo tồn khoảng trên 450 nghìn ha.
Sáng 18/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản nêu rõ khai thác nguồn lợi thủy sản là 1 trong 6 ngành kinh tế biển quan trọng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Quy hoạch cần xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến, cho biết: “Ngành thủy sản Việt Nam có trụ đỡ đó là khai thác. Năm ngoái, khai thác 3,82 triệu tấn, nuôi hơn 5,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Vậy muốn khai thác bền vững phải có bảo tồn. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để sắp tới chúng ta có một ngành thủy sản phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là gỡ thẻ vàng của Liên minh Châu Âu (EU)”.
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học... Quy hoạch nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ thành lập 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoanh vùng bảo tồn khoảng trên 450 nghìn ha; tổng sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn; hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ: “Qua hội nghị này và ý kiến thành viên, Hội đồng cơ bản thống nhất quan điểm, mục tiêu và đặc biệt là định hướng giải pháp của quy hoạch này. Tôi đề nghị có một danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên và cụ thể hơn nữa, xin lại ý kiến của thành viên hội đồng hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.