(VOV5) -Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/11/2017 và được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, tại Hà Nội, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. - Ảnh TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Các vấn đề Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời gồm: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá); hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả… Trả lời về giải pháp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết:
“Thủ tướng đã đồng ý cho chúng tôi thành lập và đưa vào hoạt động 10 điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các địa bàn hải quan trọng yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh và Quảng Ngãi, tức là chúng ta kiểm tra hàng hóa tại chỗ để phục vụ thông quan nhanh. Đề xuất phương án đổi mới theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, thủ tục chồng chéo và giảm đầu mối kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiếp tục phối hợp với các bộ triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN của giai đoạn 2106 - 2020. Chúng tôi chỉ đạo hải quan hoàn thiện giai đoạn 2 dự án thông quan điện tử tự động.”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Bộ Tài chính làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục quyết liệt trong công tác này. Trả lời về kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết:
“Chúng ta tập trung sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng và có tác động lan tỏa, từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công, xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi, siết chặt bảo lãnh chính phủ. Giải pháp nữa là việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi kiên quyết trong giới hạn 300.000 tỷ đồng. Minh bạch tài chính công, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công.”
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Ảnh: vov.vn |
Liên quan tới vấn đề nợ công, giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là không quá 50% GDP. Chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ.
Cũng trong sáng 16/11, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng tham gia giải trình trước Quốc hội về các lĩnh vực liên quan tới ngành.