(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.
Sáng nay (28/06), tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), với tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành cao.
Trong đó, đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung về: giải thích từ ngữ; các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển giáo dục và đào tạo…
Liên quan tới nội dung tổ chức chính quyền đô thị, ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: “Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới; đồng thời, cùng với Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ý kiến các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung, như: làm rõ các thuật ngữ, khái niệm trong dự thảo Luật; rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, không để chồng chéo giữa các quy hoạch, xem xét lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn…