(VOV5) - Sau hơn 13 năm thực hiện Luật thanh niên, thực tiễn đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với thanh niên nên cần phải sửa đổi.
Trong phiên họp chiều 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Thanh niên.
Một số ý kiến nhất trí với phương án trong dự án Luật thanh niên sửa đổi quy định về độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề xuất độ tuổi thanh niên cần mở rộng đến 35 tuổi để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Toàn cảnh phiên họp |
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đoàn Hà Nội, nêu rõ: “Hiện nay, 35 tuổi nhưng nhiều người vẫn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào. Thứ 2, trong công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì trẻ em là người dưới 18 tuổi, nên luật này cần phải có quy định cho phù hợp với công ước quốc tế.”
Trong khi một số đại biểu cho rằng sau hơn 13 năm thực hiện Luật thanh niên, thực tiễn đã có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với thanh niên nên cần phải sửa đổi luật này, thì cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành luật. Bởi lẽ trong dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách cho thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số ý kiến cho rằng trình tự thủ tục xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định bắt buộc phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp sẽ không đảm bảo khách quan, dân chủ.
Về vấn đề đơn vị nào chịu trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, một số đại biểu nhất trí với phương án cơ quan thẩm tra chủ trì việc chỉnh lý phải là Ủy ban thẩm tra. Song cũng có đại biểu cho rằng Bộ, ngành phải là đơn vị tiếp thu chỉnh lý dự án luật.