(VOV5) - Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đầu giờ sáng 22/10. Đây là khâu mở đầu cho quá trình tiến tới thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp lần này. Bản giải trình được chia thành 12 phần đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và nhân dân.
|
Về tên nước, báo cáo khẳng định việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về bản chất Nhà nước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị tiếp tục quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.Báo cáo cũng cho biết tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đề cập chế độ kinh tế, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhất trí lựa chọn phương án quy định, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhằm làm rõ hơn định hướng XHCN, làm rõ hơn vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước.
Để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đa số ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương: “ Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.”
Cũng trong sáng 22/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Theo đó, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) sẽ có hiệu lực từ ngày được Chủ tịch nước công bố. Các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi được thay thế bởi các cơ quan nhà nước tương ứng phù hợp với quy định của Hiến pháp sửa đổi.
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ do Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày sau đó cho biết tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng.
Thẩm tra báo cáo này, đại diện Uỷ ban tư pháp của Quốc hội đánh giá báo cáo chưa phân tích sâu sắc nguyên nhân; chưa nêu được bức tranh toàn cảnh về tình hình tham nhũng. Đáng lưu ý là chưa nêu được những nơi làm tốt và chưa làm tốt công tác chống tham nhũng hoặc những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng.
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 trước Quốc hội sáng nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ năm 2013, cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 80 vụ, 90 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, thu hồi được 59 tỷ đồng. Mặc dù một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, song việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong năm 2013 vẫn còn những hạn chế như xử lý chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.
Để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Quy định của pháp luật hiện nay khá đầy đủ và chặt chẽ. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Ví dụ việc kê khai minh bạch về tài sản trong các cơ quan thì các nguồn thu chi luôn được công khai để mọi người giám sát. Về tài sản thu nhập cá nhân kê khai quy định rất rõ tuy nhiên phải kê khai như thế nào, kiểm soát như thế nào. Vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện, phải thực hiện đúng quy định.”
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện kiến nghị: “Tập trung lực lượng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội, ban hành cơ chế hiệu quả hơn để kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ của người có chức vụ, quyền hạn mà của toàn bộ cán bộ, công chức.”
Ủy ban tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng cần mở đợt tuyên truyền để tạo nên phong trào toàn dân tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng./.