(VOV5)- Chiều 1/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đây là dự án Luật quan trọng, thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Phiên thảo luận này được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực trên Hệ thời sự chính trị tổng hợp VOV1 và Kênh truyền hình Quốc hội, phục vụ cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng để bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu quả, hiệu lực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Các đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, nhưng về phạm vi điều chỉnh và việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu đề nghị quy định rõ hơn trong Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vì theo quy định của Hiến pháp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại hình đơn vị hành chính Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, góp ý: “Tôi đồng tình với dự thảo Luật quy định mô hình chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở tất cả các cấp chính quyền. Nội dung này phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đối với đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt tôi thống nhất với Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội là không quy định cụ thể về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng thành viên Ủy ban nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn cụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt trong dự thảo Luật này. Những nội dung này sẽ được quy định rõ trong Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt, thành lập đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt sẽ phù hợp hơn.”
Trước đó, buổi sáng, Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn về việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tốt quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương./.