(VOV5) - Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định: cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Việc xác định cơ quan nào là cơ quan giải quyết bồi thường và bồi thường thiệt hại tinh thần với người thân thích của người bị oan như thế nào trong hoạt động tố tụng hình sự là hai nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) trong sáng 31/5.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN |
Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định: cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhiều đại biểu cho rằng quy định như vậy dẫn đến việc bồi thường nhà nước không thống nhất, khó triển khai việc bồi thường một cách khách quan. Hơn nữa, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những trường hợp khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng.
Cũng qua thảo luận, quy định chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan đã chết hay bồi thường cả trong trường hợp người đó còn sống cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số ý kiến đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật, nghĩa là bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân của người bị oan chỉ trong trường hợp người bị oan đó đã chết.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.