(VOV5) - Đây là nội dung của ngày làm việc ngày 7/6 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII. 34 đại biểu Quốc hội và 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến về lĩnh vực này.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, dù có những kết quả tích cực song công tác giảm nghèo thời gian qua còn thiếu bền vững. Do đó, trong giai đoạn 2015-2020, các đại biểu kiến nghị chương trình giảm nghèo cần chuyển từ chính sách hỗ trợ không điều kiện sang hỗ trợ có điều kiện, cần có sự phân loại các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó chính sách hỗ trợ cho từng loại đối tượng. Bà Ngô Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “ Cử tri mong muốn Chính phủ nên cho phân loại các hộ nghèo và người nghèo. Chính sách chỉ nên hỗ trợ thường xuyên cho người nghèo và hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng mà họ không thể thoát nghèo. Các trường hợp khác chính sách của Nhà nước chỉ nên hỗ trợ có thời hạn và kèm theo điều kiện cụ thể để người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành.
|
Các chính sách giảm nghèo hiện chồng chéo, chưa khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo. Ảnh minh họa: vnexpress |
Trước thực tế hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ cao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đề nghị cần rà soát lại các địa bàn trọng điểm về nghèo đói, cần có chính sách theo vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chứ không thể có chính sách chung cho các khu vực. Các Ban chỉ đạo cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra các chính sách phù hợp.
Về chính sách giảm nghèo ở khu vực nông thôn, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng để giải bài toán thu nhập cho người nghèo thì cần phải tập trung phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa: “ Thứ nhất, phát triển giai thông và thông tin liên lạc, không có giao thông thì không có nông nghiệp hàng hóa; lựa chọn cây trồng phù hợp để hướng dẫn cho dân nghèo, tăng cường hệ thống khuyến nông để hướng dẫn nông dân phát triển. Thứ tư, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và nươc sinh hoạt; Thứ năm, tạo điều kiện cho hộ nghèo bảo vệ rừng và trồng rừng. Thứ sáu, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở vùng nghèo".
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần phải rà soát lại chính sách giảm nghèo để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải trong công tác giảm nghèo, dẫn tới kém hiệu quả. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “ Sang nhiệm kỳ 2016-2020 theo đề nghị của Chính phủ chúng ta sẽ chỉ giữ lại 2 chương trình là chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những nguyên tắc để làm đồng vốn sử dụng có hiệu quả hơn là giao quyền cho địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ để sử dụng nguồn vốn này.”
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành bộ chuẩn nghèo mới phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung các chính sách về tín dụng, đất đai, dạy nghề…để giảm nghèo bền vững./.