(VOV5) - Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thảo luận ở hội trường về dự án luật này.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. |
Tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP). Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật, để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp một số cơ quan nhà nước với một số cơ quan của Đảng, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp, cho biết Tôi đồng tình với phương án chỉ sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật tổ chức CQĐP, dùng một luật sửa hai luật, tập trung vào những vấn đề mà thực tiễn thời gian qua tổ chức thực hiện có những bất cập, cần có sự điều chỉnh kịp thời. Về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCCP, giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, nhằm để đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương là hợp lý. Địa phương từ thực tiễn sẽ bố trí cơ quan chuyên môn phù hợp, không ngoài khung cho phép của Chính phủ giao.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương |
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước: Dự thảo Luật do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1/6/2021 để bắt đầu triển khai từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ (2021 – 2026).
Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.