(VOV5) - Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý Nhà nước về viễn thông.
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay (24/11), tại Hà Nội, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi); thảo luận dự án Luật Đường bộ.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý Nhà nước về viễn thông.
Luật quy định giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho 1 ngày.
Mã, số viễn thông quy định được niêm yết trực tuyến trên thị trường để tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số đấu giá.
Giá khởi điểm để đấu giá mã mạng di động, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin được xác định bằng phí sử dụng 1 năm của mã, số đó. Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Đường bộ. Việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.