(VOV5) - Với 100% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
Chiều nay 8/6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. - Ảnh: quochoi.vn |
Trong năm 2017, Quốc hội thông qua 18 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 10 nghị quyết. Theo Chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua 07 dự án luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác. Qua xem xét, cho ý kiến về công tác chuẩn bị, 07/07 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 07/11 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được hoàn chỉnh, bảo đảm điều kiện trình Quốc hội; đồng thời, theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 5 để xem xét, thông qua thêm 01 dự án, cho ý kiến thêm 01 dự án luật khác (Luật Công an nhân dân (sửa đổi); đưa ra khỏi Chương trình 02 dự án luật để tiếp tục chuẩn bị, lùi thời gian trình 02 dự án luật.
Như vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật và Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình năm 2019, cho ý kiến về 08 dự án luật khác. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết: Thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn, nội dung chuẩn bị kỹ hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện, có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Thời gian thảo luận tại Hội trường được tăng thêm, tính đối thoại và tranh luận, phản biện trong phát biểu của đại biểu Quốc hội được tăng cường, các luật được thông qua trong năm 2017 với số phiếu cao. Công tác chỉnh lý kỹ thuật văn bản ngày càng đi vào nền nếp. Tình trạng nợ đọng văn bản dần được khắc phục, số văn bản nợ giảm nhiều.
Với 100% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Trước đó. buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi); Thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam.
Thảo luận tại hội truờng, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: quochoi.vn |
Về quan điểm xây dựng Luật, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển; nghiên cứu quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu Phạm Đình Cúc, Đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: "Tôi đồng tình với việc ban hành Luật CSBVN bởi Biển Đông có diện tích trên 3,5 triệu km vuông, trong đó diện tích biển của Việt Nam có hơn 1 triệu km vuông có vị trí vô cùng quan trọng. Hiện nay tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp, chính vì vậy nhiệm vụ của CSBVN vô cùng nặng nề… Để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho lực luợng CSBVN họat động, phù hợp với thực tiễn luật pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam 2013, do vậy việc ban hành Luật CSBVN là cần thiết và cấp bách"
Truớc đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).