(VOV5) - Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Sáng nay (27/06), tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ với 447/454 đại biểu biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 91,98% tổng số đại biểu).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ - Ảnh: quochoi.vn |
Điểm đáng chú ý của Luật Đường bộ là quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ. Theo đó, quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác có liên quan.
Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị là một bộ phận của đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 11% - 26%, phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị của từng loại đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong khi đó, đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quy định có tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tối thiểu đạt 50% tỷ lệ đất.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ - Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan tới nội dung này, ông Lê Tấn Tới, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nêu rõ: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho đường bộ trong đô thị cần phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời phải xem xét trên cơ sở đánh giá toàn diện quỹ đất dành cho các lĩnh vực giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều này phù hợp với Nghị quyết số 06 ngày 24/02/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn phát triển và tính đặc thù của các loại đô thị".