(VOV5) - Để 2 quy hoạch này được triển khai đúng mục tiêu, kỳ vọng đề ra, cần tập trung thực hiện 1 số vấn đề liên quan tới giao thông, môi trường, y tế…
Sáng nay (20/06), tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và có giá trị mới để xây dựng Thủ đô thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”.
Phiên họp sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu Quốc hội đánh giá hai bản quy hoạch này đã thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng để 2 quy hoạch này được triển khai đúng mục tiêu, kỳ vọng đề ra, cần tập trung thực hiện 1 số vấn đề liên quan tới giao thông, môi trường, y tế…
Để thực hiện các mục tiêu này, đại biểu Hoàng Văn Cường, thành phố Hà Nội, cho rằng cần tập trung giải quyết nút thắt về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thông qua xây dựng hệ thống đường sắt.
"Trong tâm là xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị như trong Đề án để hình thành hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông, để người dân sử dụng đường sắt tự động thay thế các phương tiện khác để di chuyển đến bất kể địa điểm nào trên klhu vực thủ đô. Như vậy, những vấn đề về ùn tắc giao thông hay ô nhiễm môi trường hiện nay cũng sẽ được giải quyết thông qua phát triển hệ thống đường sắt."
Giải trình, làm rõ những nội dung trong quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: "Đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các Chiến lược phát triển, như: hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững cũng như xác lập các cơ chế năng động đặc thù của Thủ đô. Cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản; Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.