(VOV5) - Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đều đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Hôm nay (6/1), ngày thứ hai của Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về một số nội dung của Kỳ họp, trong đó có vấn đề Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đều đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tạo cơ sở nền tảng và động lực cho việc phát triển đất nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, cho rằng:“Dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời cũng là phân bổ nguồn lực cho việc phát triển các ngành, các lĩnh vực. và theo không gian phát triển. Dự thảo cũng đã định hướng rất rõ các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế như là Bắc-Nam, Đông-Tây…”.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nội dung quan trọng, cấp bách được xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Ảnh: Phạm Thắng |
Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với các nội dung trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia do Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch theo hướng làm rõ, cụ thể hơn một số vấn đề quan trọng, như: khai thác và phát triển tiềm năng to lớn của kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho lĩnh vực này; tăng cường tính liên kết giữa các vùng kinh tế, các cực phát triển; quy hoạch tại các khu vực biên giới,… Mục tiêu cao nhất là để phục vụ và đảm bảo phát triển kinh tế đất nước theo các chỉ tiêu đã nêu trong dự thảo Quy hoạch, đó là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu kiến nghị sớm hoàn thiện và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, kiến nghị:“Cùng với việc thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này, đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm 3 nội dung sau. Thứ nhất, sửa đổi các quy định, điều luật cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Thứ hai, có sự chỉ đạo cần thiết để đảm bảo quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng cũng như với quy hoạch của ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Thứ ba, đề nghị đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực để quy hoạch tỉnh có thể triển khai đồng bộ, đảm bảo hiệu quả và tiến độ”.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về việc đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.