Sửa đổi Luật Báo chí nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013
Ngọc Anh -  
(VOV5) - Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo khung pháp lý để báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng, đúng pháp luật. Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Điểm mới của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí hiện hành là bổ sung thêm 1 chương về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng: “Luật Báo chí lần này được triển khai theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đó là mở rộng quyền dân chủ, quyền tự do, quyền công dân và cũng tăng cường vai trò trách nhiệm của báo chí đối với xã hội. Luật Báo chí đã có những sửa đổi rất quan trọng. Đặc biệt, trong Luật Báo chí lần này đã kiện toàn bộ máy tổ chức và vai trò trách nhiệm của báo chí”.
|
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa (Ảnh minh họa) |
Luật Báo chí lần này sửa đổi theo hướng tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước theo phương châm phát triển gắn liền với quản lý. Các đại biểu Quốc hội lưu ý tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Không được phép sử dụng, hoặc lạm dụng quyền này để làm phương hại đến lợi ích quốc gia đến lợi ích dân tộc hoặc lợi ích của người khác.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Theo đó, cho phép thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2016. Còn Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Ngọc Anh