(VOV5) - Các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ quan điểm Hồ Chí Minh về các chuẩn mực đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm "Cần kiệm liêm chính" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. - Ảnh: dangcongsan.vn |
Nhân kỷ niệm 70 năm ra đời Tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 14/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: 70 năm tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (tháng 6/1949-tháng 6/2019). Tại tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ quan điểm Hồ Chí Minh về các chuẩn mực đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Các đại biểu nhấn mạnh: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính là những chuẩn mực đạo đức cơ bản không thể thiếu của mỗi con người. Xuất phát từ vai trò, vị trí của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng; cán bộ có vai trò quyết định đến sự thành bại của cách mạng, cho nên, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính; đó vừa là các phẩm chất nền tảng, vừa là tiêu chí hàng đầu mà mỗi cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm: “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, cái gốc của người cán bộ, đảng viên.
70 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị lý luận- thực tiễn sâu sắc. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong tác phẩm đặc biệt có ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.