(VOV5) - Các đại biểu nhấn mạnh diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng cấp thiết
Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Các đại biểu nhấn mạnh diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng cấp thiết, nên một số quy định tại hai Luật hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, nêu ý kiến: Dự thảo luật cần phải bổ sung, tiếp cận rộng hơn, đầy đủ hơn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng, tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, vì vậy cần bổ sung thêm các điều, khoản về ứng phó với các loại hình thiên tai, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
|
Các đại biểu cũng đề nghị hai dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: nâng cao ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai; thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này…
Ông Lê Quang Trí, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Về hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, chúng ta có thể khẳng định rằng công tác phòng, chống thiên tai là một trong những công tác khó và phức tạp đối với Việt Nam và một số nước. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai như Nhật Bản, Mỹ, Philipines... Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản về chính sách của Nhà nước trong phòng,chống thiên tai quy định cụ thể như sau: Chủ động tích cực hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai.