(VOV5) - Việt Nam và Lào khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-3/10.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. - Ảnh: TTXVN
|
Trong thời gian thăm, Thủ tướng Thongloun Sisoulith dự lễ đón chính thức, hội đàm và chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; thăm làm việc một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại thành phố Đà Nẵng.
Tại các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước của mỗi nước, cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, phấn đấu luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhau nhằm đối phó với các thách thức an ninh, quốc phòng ngày càng đa dạng, phức tạp; nhất trí phối hợp triển khai tốt các điều ước và thỏa thuận song phương về biên giới, lãnh thổ. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ; quan tâm tổ chức thực hiện và có biện pháp đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào cũng như của Lào tại Việt Nam.
Việt Nam và Lào khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quan trọng, ưu tiên các dự án giao thông vận tải, trong đó có kết nối hàng không và các tuyến giao thông dọc Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và kết nối xe buýt Việt Nam-Lào-Thái Lan. Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kết nối sản phẩm du lịch.
Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích chung của nhân dân các nước tại tiểu vùng; tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế; hoàn tất đàm phán trong năm 2019 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Bangkok tháng 7/2019.