(VOV5) - Các đại biểu quốc hội cũng đề xuất đưa vào dự thảo Luật đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản...
Tăng quyền lợi cho lao động khi ốm đau, thai sản là một trong số nội dung được đa số đại biểu quốc hội khóa XV cho ý kiến và đồng tình trong phiên thảo luận hôm nay (27/5), tại hội trường Kỳ họp thứ 7, về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận chều 27/5. Ảnh: quochoi.vn |
Về quy định chế độ ốm đau, nghỉ thai sản, các đại biểu cho rằng đây là quy định phù hợp, giúp phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đề xuất thời gian nghỉ việc để khám thai đối với lao động nữ cần tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bà mẹ và trẻ em: "Trong quá trình tiếp xúc cử tri, cử tri là công nhân lao động đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai. Việc quy định này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì vậy, tôi đề nghị cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn, vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri."
Đề xuất tăng số lần được nghỉ để khám thai trong thai kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: "Tôi đề xuất, để linh hoạt và đảm bảo hơn cho phụ nữ mang thai, điều kiện để đi khám thai trong thai kỳ của mình, có thể đưa ra thêm lựa chọn, có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt."
Các đại biểu cũng đề xuất đưa vào dự thảo Luật đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản; quy định thời gian hưởng chế độ cho người lao động chăm sóc con ốm đau từ 7 đến dưới 16 tuổi; Tăng cường truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già