(VOV5) - Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với các cơ quan liên quan vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, có những giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Thời gian qua, chính sách thị thực của Việt Nam được triển khai theo hướng mở cửa, thủ tục hành chính được cải cách, đổi mới mạnh mẽ, số người nước ngoài xuất – nhập cảnh sau đại dịch COVID-19 không ngừng tăng lên.
Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Ngọc Dương/ thanhnien.vn |
Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với các cơ quan liên quan vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, có những giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng tạo đột phá cho du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam thời gian tới.
Từ ngày 15/03/2022, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam quyết định phục hồi chính sách xuất nhập cảnh như trước thời điểm COVID-19. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Với chức năng và quyền hạn của mình, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực kiến nghị Chính phủ về các chính sách, biện pháp mở cửa; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết: "Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về các phương án tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới".
Cùng với nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam cũng tích cực triển khai chính sách thị thực điện tử để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử được đẩy mạnh.
Cụ thể, người nước ngoài có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào tìm hiểu thị trường, đầu tư…
Về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử, toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực đến xử lý, giải quyết và nhận, in thị thực đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, việc nộp lệ phí thị thực cũng được trực tuyến qua thanh toán điện tử, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, giảm bớt các thao tác đối với người đề nghị cũng như cán bộ xử lý. Người nước ngoài có thể tự in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực ở Việt Nam, ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách thị thực của Việt Nam được đánh giá là đơn giản và nhanh gọn, với hình thức đa dạng theo nhu cầu của người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt công tác này, tích cực hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn trong giải quyết thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.