(VOV5) - Một số đại biểu kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong việc lưu thông giữa vùng đồng bằng và miền núi.
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục dành trọn ngày làm việc để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và phòng, chống dịch Covid-19. Những nội dung chính được nêu lên ở nghị trường xoay quanh chính sách phòng, chống đại dịch, các biện pháp phục hồi kinh tế, các vấn đề liên quan an sinh xã hội... Các đại biểu cũng đề cập giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Quốc hội đã phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai giai đoạn 2021-2025, để phát triển bền vững, phát huy lợi thế của các vùng, miền, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên để triển khai được các chương trình mục tiêu quốc gia này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, sớm ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép 3 chương trình mục tiêu, ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới...
Đại biểu cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép chuyển toàn bộ 16.000 tỷ đồng (khoảng 706 triệu USD) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội bố trí cho 3 chương trình mục tiêu từ năm 2021 sang năm 2022. Đồng quan điểm này, đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu ý kiến: "Chính phủ và các ngành quan tâm điều hành những chính sách đang có hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là 3 chương trình quốc gia là chương trình dân tộc thiểu số, chương trình nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Để sớm triển khai đồng bộ, đề nghị Ban chỉ đạo 3 chương trình sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý điều hành, tích hợp nguồn lực, huy động đa dạng nguồn vốn. Tôi cũng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chuyển 16 nghìn tỷ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình trên sang năm 2022 và cho phép chính phủ ban hành cơ chế cấp vốn toàn bộ đối với nguồn vốn ODA để triển khai chương trình cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách Trung ương trở lên do nhu cầu nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 là rất lớn".
Cũng liên quan đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, một số đại biểu kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong việc lưu thông giữa vùng đồng bằng và miền núi.