(VOV5) -Một con người mà có ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ, luôn luôn có nghị lực, sáng kiến để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ được giao.
Ngày 14 - 15/8, Việt Nam tổ chức tang lễ Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (từ trần ngày 7/8/2020) theo nghi thức Quốc tang.
Nhân dịp này, trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Một con người mà có ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ, luôn luôn có nghị lực, sáng kiến để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ được giao.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Nguồn: VOV |
Quãng thời gian Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đảm nhận cương vị người đứng đầu Đảng cũng là giai đoạn mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đàm phán tích cực với phía Trung Quốc về hoạch định lại biên giới trên bộ. Với tư cách là 2 người đứng đầu Đảng, Nhà nước, khi đó 2 nhà lãnh đạo đã có sự chuẩn bị để Hiệp định về biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc được ký kết vào cuối năm 1999.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhớ lại:"Biên giới đã được hoạch định từ thời Pháp với nhà Thanh cho nên có nhiều điểm không rõ ràng và luôn luôn xảy ra tranh chấp trên suốt chiều dài biên giới. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, lâu dài thì phải cố gắng đàm phán tích cực để phân định biên giới tuyên bố chính thức với kỹ thuật hiện đại. Với tư cách là Chủ tịch nước, tôi rất quan tâm; với tư cách là Tổng Bí thư, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm, luôn lắng nghe các đơn vị đàm phán về việc đó báo cáo để cho ý kiến giải quyết dần dần từ dễ đến khó, cho đến khi đạt được Hiệp định. Từ ngày ký Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước thì tình hình biên giới êm hẳn, sau đó ký luôn Hiệp định về quản lý biên giới giữa hai bên. Từ đó trở đi không còn những đụng chạm xảy ra như trước."
Trên mặt trận ngoại giao, không thể không nhắc đến sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton, vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam năm 2000. Đây là dấu mốc quan trọng sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và tiến tới ký Hiệp định Thương mại song phương đầu tiên vào tháng 7/2000.
Thành công của sự kiện này có dấu ấn của TBT Lê Khả Phiêu. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chia sẻ: "Thời điểm Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, tôi được phân công phân công đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tôi có thảo một bài phát biểu chào mừng, về nguyên tắc những việc hệ trọng như thế cần xin ý kiến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi nghe tôi trình bày, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đồng ý ngay, với tinh thần, đây là thời điểm không nên làm căng về những vấn đề cũ mà phải nói sao cho “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đôi bên có lợi. Từ đó đến nay chúng ta thấy điều đó đã đưa lại lợi ích to lớn đến như thế nào cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước."
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó những chỉ đạo, định hướng của ông trên lĩnh vực đối ngoại đã đặt nền tảng quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.