(VOV5) - Hai bên nhất trí xem xét việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Hôm qua (30/05), tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan, bà Anna Krystyna Radwan-Röhrenschef, đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ba Lan, trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ba Lan.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Rohrenschef đồng chủ trì Tham vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Hai bên nhất trí thời gian tới tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, văn hóa - du lịch, lao động, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển xanh, quản lý nguồn nước... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU); phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong năm 2025, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ba Lan.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên nhất trí xem xét việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa 2 nước có mặt nhiều hơn trên thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, như: dược phẩm, công nghệ thông tin truyền thông, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, đóng tàu…
Về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên nhất trí xem xét ký mới Bản ghi nhớ hợp tác, tiếp tục tổ chức hiệu quả hoạt động Tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp, xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Về Biển Đông, hai bên đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, thượng tôn luật pháp quốc tế.