(VOV5) - Các nhà lãnh đạo quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược; thông qua Chiến lược Tokyo 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam ngày 10/10 kết thúc thành công chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 8 đến 10/10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 30 hoạt động, gồm cả đa phương và song phương trong đó nổi bật là các cuộc tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản; hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo 5 nước Mekong và Nhật Bản quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược; thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021. Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng việc nâng cấp lên đối tác chiến lược cho thấy các nước cùng chung quan điểm thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa Nhật Bản và các nước Mekong, trong đó có Việt Nam. Việc nâng cấp này thúc đẩy quan hệ của Việt Nam không chỉ với Nhật Bản mà trong khuôn khổ liên kết chung. Nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại đang gia tăng.
Về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai thủ tướng nhất trí nhiều vấn đề quan trọng về thúc đẩy hợp tác về kinh tế, nhất là về công nghiệp phụ trợ, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tạo điều kiện để hoa quả của hai nước vào được thị trường của nhau… Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA cũng như thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính. Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng thúc đẩy để Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực, được thực thi, thúc đẩy các tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản và Mekong, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.