(VOV5) -Thủ tướng nêu rõ: cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng.
Sáng 26/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã đến thăm, làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật…
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính Phủ: Cả nước hiện có 13 tôn giáo với 36 tổ chức và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước.
Đối với những người không theo tôn giáo nào nhưng đại đa số lại có tín ngưỡng với các tập tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ mẫu, thờ thành hoàng làng cũng như những người có công với đất nước nên theo thống kê hiện có tới 95 dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng khẳng định: Về cơ bản các tổ chức tôn giáo đồng thuận và hoạt động tuân thủ pháp luật; các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội và mở rộng các hoạt động quốc tế, góp phần để quốc tế hiểu về chính sách đổi mới và chuyển biến đời sống tôn giáo ở nước ta.
Một số vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh, trật tự trong tôn giáo, đó là tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về đất đai, cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động tôn giáo trái quy định; lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để chống đối chính quyền, gây mất an ninh, trật tự… Trong khi đó, tổ chức và cán bộ của hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo còn nhiều bất cập, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến địa phương còn chưa mạnh cả về công tác tham mưu, quản lý đến hướng dẫn…
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đã làm được trong năm qua, góp phần tích cực, thiết thực và quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo đã góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đề ra chủ chương, chính sách đúng đắn về công tác tôn giáo nên đã đem lại kết quả ngày càng tích cực và ổn định. Tuyệt đại đa số đồng bào có đạo tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cũng ngày càng được bảo đảm. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao tự do tín tưỡng tôn giáo ở Việt Nam… Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, Thủ tướng nêu rõ trước hết phải dựa vào thể chế, phải tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá các văn bản pháp luật, pháp quy của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bảo đảm hành lang pháp lý cụ thể hóa ngày càng hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, trong đó cần sớm tiến hành tổng kết Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo vững vàng về chính trị, nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như nâng cao trình độ, hiểu biết về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền để dư luận, nhất là dư luận quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về các chính sách đổi mới và chuyển biến tích cực của đời sống tôn giáo ở nước ta.
Cùng với tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân về tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, Thủ tướng yêu cầu cán bộ làm công tác tôn giáo đề cao cảnh giác, kiên quyết, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để bịa đặt, vu khống nhằm chống phá chế độ, gây mất ổn định của đất nước…
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương lên phương án và thống nhất phương thức xử lý cụ thể, dứt điểm các đơn thư, khiếu nại liên quan đến đất đai, tài sản, cơ sở thời tự tôn giáo…
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã định hướng giải quyết một số kiến nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công tác tôn giáo cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504) chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo nhằm đánh giá những kết quả năm 2012 và thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp Ban chỉ đạo 504
|
Trong năm qua, Ban Chỉ đạo 504 đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động, nhất là tiếp xúc, trao đổi, vận động Chính phủ, Quốc hội Mỹ và cơ quan LHQ hỗ trợ giải quyết hậu quả bom mìn, thống nhất với Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam về nội dung Khung hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn và hiện đang hoàn chỉnh thủ tục để tiến hành ký kết.
Ban Chỉ đạo 504 cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về thực trạng, hậu quả và quá trình triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; tiếp tục thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc”; xây dựng các dự án rà phá bom mìn để vận động tài trợ cũng như tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom mìn…
Phát biểu tại kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề cho tới ngày nay. Số lượng bom mìn sót lại còn rất lớn không chỉ gây ô nhiễm 22% diện tích đất canh tác mà còn cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người mỗi năm cùng hàng vạn người khác bị thương.
Khắc phục hậu quả bom mìn là một vấn lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy và nhất trí với 7 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ đạo 504 đề ra trong năm nay.
Thủ tướng lưu ý Ban chỉ đạo cần tập trung triển khai mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn công tác khắc phục hậu quả bom mìn, trong đó ưu tiên rà phá bom mìn tại các vùng, địa bàn trọng điểm để nhân dân yên tâm mở rộng sản xuất; chú trọng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, nhất là đối với trẻ em gắn với hỗ trợ thiết thực các gia đình và người bị nạn do bom mìn gây ra; tính toán huy động, kêu gọi và sử dụng thiết thực các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn.../.
Thành Chung