(VOV5) - Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong 3 năm qua bước đầu tích cực.
Kết luận Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra sáng 13/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ĐBSCL là một phần máu thịt Tổ quốc của Việt Nam, có vị trí chiến lược.
phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong 3 năm qua bước đầu tích cực |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hàng thập niên qua, nhất là những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vùng đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Dù kết quả thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong 3 năm qua bước đầu tích cực, nhưng Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vẫn cần xác định rất nhiều nhiệm vụ phải làm thời gian tới. Thủ tướng cho biết, cách đây một tuần, Chính phủ đã tổ chức Đối thoại 2045 nhằm tìm kiếm giải pháp tạo sự phát triển đột phá cho đất nước 25 năm tới. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một cuộc Đối thoại 2045 ở khu vực ĐBSCL, để tìm giải pháp đưa vùng phát triển thịnh vượng cùng đất nước: "Muốn giữ được ĐBSCL trước hết phải giữ người, giữ đất và giữ nước. Hôm nay, tôi muốn nói lại về nhân kiệt của ĐBSCL. ĐBSCL là vùng đất nhân kiệt, nơi sinh ra và hội tụ nhiều tài của nhiều nơi khác đến. Chúng ta cần xem đây là một nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định trong chiến lược ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu. Tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất vẫn là nhân lực, là con người, là chất xám, là trí tuệ, là cảm xúc và lòng dũng cảm. Nhân đây tôi khởi xướng tới đây Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ Đối thoại 2045 nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức nhà khoa học các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đang đầu tư ở vùng đất Chín Rồng để tìm ra các giải pháp cho người dân đồng bằng phát triển nhanh, bền vững. Và tôi cũng giao cho Đại học Cần thơ chủ trì Đối thoại 2045 của ĐBSCL".
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng, yếu tố quyết định nằm ở việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và người dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời Thủ tướng cũng đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với một số nhiệm vụ cần thực hiện: "Thứ nhất là tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Chỉ có thể bằng các dự án của doanh nghiệp, của HTX thì mới là chất xúc tác để trung hòa tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Doanh nghiệp giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thu ngân sách. Thứ hai là thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và hoàn chỉnh các loại thị trường chủ chốt. Đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đạo tạo lại nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu các xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động thích ứng với thị trường. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng đề án này".
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo cần đưa ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thành một hạng mục chi chính của ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách hàng năm. Các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần tăng cường liên kết mạnh mẽ với thành phố Hồ Chí Minh theo tình thần bền vững, hữu cơ, cùng phát triển. Phát triển mạnh mẽ các đô thị trong vùng, quy hoạch lại dân cư. Đẩy mạnh hợp tác quốc gia, quốc tế và tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế.