Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Australia và New Zealand
(VOV5) - Các mối quan hệ này đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu sắc.
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Phu nhân, và nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Australia từ ngày 17 – 18/3/2015 và New Zealand từ ngày 19 – 20/3/2015.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam hiện đang có quan hệ đối tác toàn diện với hai nước Australia và New Zealand. Các mối quan hệ này đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu sắc. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Australia còn rất lớn và hai bên cần nỗ lực làm sâu sắc hơn nội hàm Quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Australia vào tuần tới, Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia có bài viết đánh giá chuyến thăm này sẽ đem đến năng lượng mới cho quan hệ Việt Nam-Australia. Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đem đến một động lực mới cho hai nước để thúc đẩy quan hệ song phương lên thành Đối tác toàn diện tăng cường.
Với New Zealand, năm nay hai nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (16/6/1975-16/6/2015). Phát biểu trong cuộc họp báo khởi động ỷ niệm 40 năm ngoại giao Việt Nam-New Zealand diễn ra ngày 5/2 vừa qua cùng Đại sứ New Zealand, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: kết quả hợp tác đạt được giữa hai nước trong thời gian qua hết sức nổi bật. Những lĩnh vực hợp tác đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, giáo dục đào tạo và nông nghiệp. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn nhiều, đặc biệt cơ hội từ các khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực hai nước cùng tham gia mang lại lợi ích rất lớn như Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).