(VOV5) - Với quốc tế, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu.
Chiều 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc theo hình thức trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Sau khi các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 10 năm qua, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cải cách hành chính đạt kết quả nhiều mặt trong 10 năm qua, góp phần vào những thành công của đất nước trên mọi lĩnh vực. Với quốc tế, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Trong đó, Chính phủ điện tử năm 2020 Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay. "Cải cách thủ tục được xác định là khâu đột phá được triển khai mạnh mẽ của cải cách hành chính. Chúng ta thấy rõ vai trò của Chính phủ và chính quyền các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Những tiến bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam rất lớn."
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh, khắc phục cơ bản tồn tại của giai đoạn trước, trong đó đã giảm đầu mối cơ quan và phân rõ chức năng trung ương, địa phương. Việc xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại. Đặc biệt, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt 31%, một số bộ, ngành đạt 100%. Trên 2.800 dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương triển khai, qua đó giảm gặp gỡ trực tiếp và giảm các nhũng nhiễu, tiêu cực.
Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân, bởi muốn phát triển tốt hơn thì phải có một quyết tâm chính trị cải cách hành chính: "Chúng ta phải thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường công khai minh bạch để công tác quan trọng này sát dân, sát cơ sở hơn. Và dù công nghệ thế nào cũng phải hướng về người dân, doanh nghiệp. Công tác cải cách tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045."
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về bộ máy nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu một số mô hình mới gắn với tinh giản biên chế; tăng cường thí điểm chuyển giao dịch vụ công mà đơn vị ngoài nhà nước có thể thực hiện.