(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn đầu của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam
Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, chiều 25/4, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ba cuộc gặp và đối thoại với ba nhóm doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc và thế giới trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính-công nghệ-viễn thông.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là những năm gần đây và cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, viễn thông, tài chính ngân hàng, đầu tư vào Việt Nam. Sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, đang đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc. - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc về các vấn đề quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn đầu của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam và cho biết Việt Nam đang có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, tài chính ngân hàng.
Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án tốt tại Việt Nam, đồng thời cũng phê phán một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm, trong đó có một số dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt. Cho rằng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng thời gian tới của Việt Nam là rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cần nhiều nguồn lực để phát triển, gồm cả nguồn lực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với phương thức hợp tác công-tư và các hình thức đầu tư khác. Trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đây chính là cơ hội cho các dự án đầu tư tốt của Trung Quốc vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có thực lực tài chính và công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng có lợi. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng mà Việt Nam coi là đột phá chiến lược, cần vốn đầu tư hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay...
Đối với lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển năng lượng, nhất là các dự án năng lượng sạch, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, nông sản và sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ giữa Tập đoàn TH và đối tác Wuxi Jinqiao International Food City - đơn vị sở hữu Trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. - Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN |
Lễ ký kết giữa TH và đối tác Trung Quốc là bước đi cụ thể hóa chủ trương hợp tác thương mại giữa Chính phủ hai nước, đồng thời đón đầu cơ hội mở rộng thị trường khi Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được ký chính thức.
Cũng chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam và Trung Quốc tham dự Lễ kỷ niệm 5 năm Hãng hàng không Vietjet mở đường bay đến Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Những năm gần đây, tăng trưởng hành khách trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam tăng 20%, trong đó, VietJet là một trong số các hãng hàng không tư nhân hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo Vietjet cho biết cùng với thúc đẩy sự phát triển ngành hàng không Việt Nam, Vietjet còn góp phần quảng bá hình ảnh và sản phẩm hàng không Việt Nam ra thế giới với những sản phẩm mới cho thị trường hàng không trong khu vực, thúc đẩy giao thương và du lịch giữa Trung Quốc- Việt Nam và giữa các nước trong khu vực.
Vietjet bắt đầu khai thác đường bay đầu tiên tới Trung Quốc vào giữa năm 2014 với điểm đến đầu tiên là sân bay Côn Minh, tiếp tục mở rộng mạng bay tới các thành phố khác của Trung Quốc như Thành Đô, Trùng Khánh, Thiên Tân, Thượng Hải…và các sân bay mới như Cáp Nhĩ Tân, Ngạc Nhĩ Đa Tư. Vietjet cũng đã góp phần kết nối các cơ hội hợp tác trong ngành hàng không giữa Việt Nam và các nước trên thế giới bao gồm cả Trung Quốc.