(VOV5) - Chiều nay, 25/10, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 cùng sự phát triển của các hành lang giao thông trong tiểu vùng và các liên kết kinh tế trong khu vực đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khu vực Mekong đang gặp các thách thức như khoảng cách phát triển so với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn; lợi thế lao động, chi phí thấp đang giảm dần; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo. Thông qua Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực MeKong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp MeKong đối thoại với các doanh nghiệp của Diễn đàn về các ý tưởng, các biện pháp tăng cường đối tác công tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên: Kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên. Các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế Bắc –Nam, hành lang kinh tế phía Nam… Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất.
|
Thủ tướng cũng cho rằng hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng trong khu vực. Các nước Mekong cùng các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025. Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước khu vực Mekong cần đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh. Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế. Nhấn mạnh vấn đề phát triển bền vững và bao trùm phải là mục tiêu hàng đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ :Tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước Mekong đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mekong, bao gồm cả Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi đang xuất khẩu khoảng 7 đến 8 triệu tấn gạo hàng năm. Do vậy, khắc phục sự phân phối không đồng đều, các thành quả của tăng trưởng và hội nhập; thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững 2030 là những nội dung ưu tiên trong các chương trình hợp tác MeKong và chiến lược phát triển của từng nước, mọi người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thông tin đến các nhà đầu tư về thị trường Việt Nam với những lợi thế như tốc độ tăng trưởng GDP cao; môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, đến nay có hơn 21.000 dự án FDI trị giá 300 tỷ USD của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu đối với khu vực Mekong. Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng các nước Mekong cần tăng cường hợp tác để thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Các nước Mekongg cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và kết nối kinh tế với thế giới.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Ri-chat Xa-man. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị WEF phối hợp với Việt Nam xem xét khả năng duy trì việc tổ chức Hội nghị WEF về khu vực Mekong trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các nước Mekong và các tập đoàn thành viên WEF. Ông Xa-man mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động, sáng kiến của WEF trong thời gian tới.