(VOV5) - Thủ tướng yêu cầu không thể chủ quan với Covid-19 khi tình hình thế giới và khu vực dịch vẫn rất phức tạp.
Sáng nay 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp tiếp tục phòng, chống Covid-19. Nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng gợi ý việc cần nghiên cứu thành lập một Ban Chỉ đạo chung về chống dịch và phục hồi kinh tế.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác chống dịch Covid-19 thời gian qua đạt kết quả tích cực và đã gần 1 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp nhằm khích lệ, động viên và tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt và đang tiếp tục triển khai.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Thường trực Chính phủ thảo luận về việc người Việt Nam từ nước ngoài về nước và phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19, trong đó, mới đây đã phát hiện 17 ca dương tính với SARS-COVID-2 từ UAE trở về, 24 ca dương tính từ Nga trở về. Do đó Thủ tướng cho rằng, cần có biện pháp nào vừa thực hiện được chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước, vừa ngăn chặn hiệu quả các ca nhiễm mới từ bên ngoài về, phù hợp với điều kiện trong nước.
Yêu cầu không thể chủ quan với Covid-19 khi tình hình thế giới và khu vực dịch vẫn rất phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thảo luận đưa ra một “điều kiện mới” hoàn thiện hơn trong bối cảnh hiện nay để toàn xã hội đều phải thực hiện, qua đó vừa góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa góp phần khôi phục kinh tế.
Nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm điều hành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất và không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị điều kiện để đón nhận luồng đầu tư mới vào nước ta. Do đó, Thủ tướng cho rằng cần thảo luận, nghiên cứu, đề xuất Ban chỉ đạo chung về chống dịch và khôi phục kinh tế.