(VOV5) - Trong điều kiện hạn, mặn, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần đa dạng các loại cây trồng thay vì chỉ tập trung vào một loại cây sầu riêng.
Sáng 23/9, tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng bà con nông dân. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị bà con nông dân và địa phương phát động tinh thần nông dân tự cường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện hạn, mặn, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần đa dạng các loại cây trồng thay vì chỉ tập trung vào một loại cây sầu riêng.
Thủ tướng tặng máy lọc nước cho nông dân trồng sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả trái vụ, vừa chống hạn mặn, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Chính phủ sẽ làm hết sức bằng các biện pháp cụ thể để giảm tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, hỗ trợ bà con nông dân: "Đối với đề xuất xây dựng cửa ngăn mặn, Chính phủ sẽ giao cơ quan chức năng nghiên cứu để có giải pháp về lâu dài. Nhưng trước mắt, các địa phương và người nông dân cần chủ động xây dựng các hồ, ao tích nước ngọt để tưới tiêu chống hạn, mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đề xuất chính sách hoặc biện pháp hỗ trợ người nông dân gặp khó khăn do hạn mặn." Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chiều 23/9, tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long về các biện pháp chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2020-2021.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động sớm các giải pháp phòng, chống hạn và mặn xâm nhập sẽ giảm thiệt hại, đảm bảo sản xuất, đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt.
Toàn cảnh buổi làm việc.- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
"Cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó có đặt vấn đề giảm diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân hay không? Đó là câu hỏi đặt ra. Năm nay là năm Việt Nam xuất khẩu lương thực đứng đầu thế giới. Việc này đi liền với việc tăng sản lượng, tăng diện tích có thể xảy ra, nhất là khi chúng ta xuất khẩu gạo sang Liên minh Châu Âu (EU) với thuế bằng 0. Nhưng với tình hình hạn, mặn như hiện nay thì việc giảm diện tích vụ Đông Xuân nên đặt ra. Vấn đề thứ hai đó là hiện nay đang mùa mưa, thì việc tích trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, để chủ động vận hành các kiểm soát mặn để triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và đặc biệt cho tưới tiêu, nhất là một số cây nhạy cảm với mặn như cây sầu riêng. Nếu làm chậm sẽ không dự trữ nước được."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến mà thế giới đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp, ứng phó hạn mặn. Nghiên cứu các loại cây trồng, các loại thủy-hải sản phù hợp mang tính chiến lược đối với đồng bằng sông Cửu Long.