(VOV5) - Cũng trong ngày 19/08, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến, đánh dấu dịch vụ công thứ 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sáng 19/08, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VOV |
Việc khai trương hệ thống nhằm thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.
Cũng trong ngày 19/08, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến, đánh dấu dịch vụ công thứ 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số”: “Chúng ta cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, tổ chức chính trị xã hội liên quan. Thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng. Cần phải đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng.”
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí…