(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích tiềm năng thế mạnh cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những tồn tại hạn chế của Vùng.
Sáng 20/11 tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên có chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững". Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên, góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội. Các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp tham luận về việc hợp tác đầu tư đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Tây Nguyên với hạ tầng quốc gia và khu vực; huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối với hợp tác phát triển đối với việc hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh trên địa bàn Tây Nguyên...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích tiềm năng thế mạnh cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những tồn tại hạn chế của Vùng. Thủ tướng đồng thời chỉ rõ mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu chương trình hành động của Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD; tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2-40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%...
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu: "Phải tự lực tự cường đi lên từ bàn tay khối óc, khung trời mảnh đất của mình, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản chiến lược lâu dài và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm làm chủ thể là mục tiêu là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển. Phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu. Phải phát triển đột phá bao trùm toàn diện nhưng bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và không đề ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì chúng ta mới đủ khả năng để chúng ta phát triển".
Trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã thăm quan triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh – hài hòa – bền vững”.