(VOV5) - Việt Nam phải đánh giá, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Sáng 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Việt Nam phải đánh giá, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV
|
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, ban hành Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ, tình hình sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy: "Chúng ta trước hết phải sử dụng các công cụ của Nhà nước, các công cụ của Ngân hàng để tiếp tục khơi dậy sức mạnh chung của đất nước để phát triển nói chung, đặc biệt là để tháo gỡ khó khăn trong lúc này. Cần có các cơ chế để huy động nguồn lực trực tiếp vào các chủ đề liên quan đến bất động sản, liên quan đến tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Tôi cho rằng cơ chế, chính sách là huy động nguồn lực, cơ chế chính sách là tạo ra động lực và lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân, lấy nguồn lực của Nhà nước để kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội."
Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước cần tham gia vào dẫn dắt thị trường tài chính, hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Trong đó, tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của người dân, doanh nghiệp; tăng tiếp cận vốn, hấp thu vốn của người dân, doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành trong việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; tập trung hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch; xử lý các vướng mắc về đất đai; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thúc đẩy, sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%; khẩn trương hoàn thiện đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...