(VOV5) - Theo Thủ tướng, hiện tại không còn là thời điểm để “thí điểm”, “nhân rộng” mà cần phải tăng tốc, bứt phá, với tinh thần là “5 đẩy mạnh”.
Hiện tại cần phải tăng tốc, bứt phá, thực hiện 5 đẩy mạnh trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, diễn ra sáng nay (19/07) tại Hà Nội.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VOV |
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo về công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2024 cũng như các ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại những kết quả đạt được thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Theo Thủ tướng, hiện tại không còn là thời điểm để “thí điểm”, “nhân rộng” mà cần phải tăng tốc, bứt phá, với tinh thần là “5 đẩy mạnh”, gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; Đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: VOV |
Thủ tướng nhấn mạnh, đi cùng với “5 đẩy mạnh” này là “5 bảo đảm”, trong đó trọng tâm là bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí. Về các nhiệm vụ trọng điểm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: “Thứ nhất, phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; Thứ hai, là chúng ta phải ưu tiên nguồn lực chuyển đổi số cho phát triển kinh tế số, con người số, Chính phủ số; Thứ ba là phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; Thứ tư, quản lý điều hành phải số hóa và sử dụng trí tuệ thông minh. Thứ năm, phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo, chủ động ".